(Dân trí) - "Làm thợ lắp mái kính, ngoài sức khỏe tốt, tay nghề cao thì tính cẩn thận rất quan trọng bởi làm ẩu không có cơ hội làm lại, có thể trả giá bằng tính mạng", anh Dũng, thợ làm nhôm kính chia sẻ.
Mới đây, vụ sập mái kính giếng trời tại tòa nhà 7 tầng khiến 2 thợ tử vong, 2 người khác bị thương tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) khiến nhiều người trong nghề cũng giật mình.
Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra khi nhóm thợ đang thi công sửa kính giếng giời rộng khoảng 18m2 trên mái tầng 7 của tòa nhà thì kính vỡ. Hai thợ rơi từ tầng cao này xuống đất tử vong. Nhóm thợ đã làm việc tại tòa nhà từ 3 ngày trước khi xảy ra sự cố.
"Làm ẩu là trả giá bằng tính mạng"
Nói về sự việc, anh Đặng Đức Báo, thợ nhôm kính với 10 năm kinh nghiệm tại Hải Phòng nhận định, thông tin về sự việc cho thấy có nhiều biểu hiện chủ quan, những yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn.
Trước hết, mái kính lắp đặt ở vị trí rất cao (tầng 7 của tòa nhà). Việc lựa chọn thợ thi công thiếu kinh nghiệm làm việc trên cao có thể rất rủi ro. Không thấy người quản lý mà chỉ có nhóm thợ thi công ở địa thế như trên, chỉ một thao tác sai kỹ thuật cũng gây tai nạn.
Anh Báo chỉ rõ, với mái kính, khung sắt là bộ phận chịu lực chính cho mái kính, nếu không được thi công đúng kỹ thuật, thiếu phẳng phiu, xuất hiện điểm gồ ghề, sẽ chính là phần tạo lực dội lên kính, dẫn đến tình trạng nứt vỡ.
Một sai sót khác khi thi công dẫn đến tai nạn là thợ lắp đặt kính không đúng cách. Kính cường lực cần được lắp đặt với khoảng cách phù hợp để có thể giãn nở khi nhiệt độ thay đổi. Nếu các tấm kính được xếp quá sát nhau, khoảng cách giữa các cạnh khớp nối quá hẹp, kính sẽ bị ép vỡ khi nhiệt độ tăng cao, giãn nở.
Theo anh Báo, nhiều người lầm tưởng rằng kính cường lực không thể vỡ nên chủ quan, di chuyển, tác động lực lên mặt kính không đúng cách cũng gây vỡ, nổ.
"Có thể thấy thợ thi công đã chủ quan, lơ là sử dụng biện pháp bảo hộ như đeo dây an toàn nên rơi thẳng xuống dưới khi mái kính vỡ, gãy. Rồi chính suy nghĩ sai rằng kính cường lực "không thể vỡ", người thợ đã chủ quan, đi lại trên mặt kính. Khi gặp điểm gồ ghề trên khung sắt, chính người thợ trở thành nguồn lực lớn tác động lên kính, gây vỡ, dẫn tới tai nạn", anh Báo phân tích.